CÁC KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ GIỚI, PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÊN CƠ SỞ GIỚI

12/06/2020 19:47   buithixuan    7037 lần

TRƯỜNG THCS BÙI THỊ XUÂN

TỔ TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG

 

TUYÊN TRUYỀN CÁC KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ GIỚI,

PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÊN CƠ SỞ GIỚI

 

            Tuổi học trò luôn là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Thế nhưng, có một vấn nạn đang xảy ra và ngày càng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong cộng đồng hiện nay chính là nạn bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực học đường trên cơ sở giới. Đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối và cần có nhiều biện pháp để khắc phục, trả lại môi trường học đường trong sáng, lành mạnh cho học sinh.

            Do đó, tổ Tư vấn tâm lý học đường thực hiện bài tuyên truyền này nhằm tạo cho các em những hiểu biết cơ bản về giowi, giới tính, kĩ năng phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới…

I. Các kiến thức cơ bản về giới:

1. Giới tính và giới:

1.1. Phân biệt giới tính và giới

- Giới tính: Chỉ các đặc điểm sinh học của nam và nữ  (Khoản 2, Điều 5 Luật BĐG).

- Giới: Chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội

(Khoản 2, Điều 5 Luật BĐG)

- Khuôn mẫu giới (KMG) là sự khái quát hóa về đặc điểm, tính cách và vai trò của một nhóm người dựa trên giới tính của họ. KMG có thể tích cực hoặc tiêu cực.

 Ví dụ về khuôn mẫu giới.

 

Con gái/nữ giới

Con trai/nam giới

Năng lực HT

Học giỏi văn, các môn xã hội

Học giỏi toán, các môn tự nhiên, kỹ thuật

Việc nhà

  • Nấu cơm

  • Trông em

  • Bổ củi, mang vác

  • Cùng bố sửa đồ gia dụng

Đức tính, tính cách

  • Ngăn nắp, sạch sẽ

  • Ngoan, chăm chỉ

  • Khéo léo, chịu khó

  • Năng động, sáng tạo

  • Cẩu thả, nghịch ngợm

  • Thiếu kiên nhẫn

Nghề nghiệp

  • Ngành sư phạm, ngoại ngữ, kế toán....

  • Ngành xây dựng, giao thông, công an....

Khi trưởng thành

  • Lấy chồng, chăm sóc con cái, nội trợ

  • Tự bằng lòng với công chức hành chính

  • Thành công trong sự nghiệp, thăng quan, tiến chức

  • Bận rộn với các mối quan hệ xã hội, tạo dựng vị thế

1.2.  Đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT)

- Người đồng tính nữ (Lesbian): Một người mang giới tính nữ có cảm giác thấy hấp dẫn về giới tính hoặc/và có mối quan hệ tình cảm/quan hệ tình dục với người phụ nữ khác.

- Người đồng tính nam (Gay): Một người mang giới tính nam có cảm giác thấy hấp dẫn hoặc/và có mối quan hệ tình cảm/quan hệ tình dục với người nam giới khác.

- Người song tính (Bisexual): Người có cảm giác thấy hấp dẫn, có tình cảm hoặc/và có quan hệ tình dục với cả nam và nữ.

- Người chuyển giới (Transgender): Người có bản dạng giới hoặc thể hiện giới khác với giới tính được phân định cho người đó lúc mới được sinh ra.

 

II. Phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới:

1. Thực trạng - Khái niệm:

1.1. Thực trạng:

- 83% các em gái và 79% các em trai cho biết mình đã bị quấy rối tình dục.

- 35% HS cho biết đã bị QRTD lần đầu tiên khi ở học ở trường THCS.

- 61% HS bị quấy rối cơ thể và 56% HS bị quấy rối không qua tiếp xúc trực tiếp

(Nguồn: Plan Việt Nam, 2018. Tài liệu giảng dạy về PC và ứng phó với BLTCSG trong trường học).

1.2. Khái niệm:

-  BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI: Là bất kì hành động nào gây ra, hoặc có khả năng gây ra các tổn hại về thể chất, tình dục, tinh thần hoặc tâm lý của người khác dựa trên đặc điểm giới tính, định kiến giới hay sự PBĐX về giới và từ mối quan hệ không bình đẳng về quyền lực giữa các giới. (Plan,2018 và Unesco, 2016)

- BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRÊN CƠ SỞ GIỚI (BLHĐTCSG): Là những hành động gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại đối với các học sinh về thân thể, tinh thần hay tình dục; xuất phát từ những định kiến giới, phân biệt đối xử về giới hoặc những lí do liên quan đến giới tính của các em (Plan,2018)

- BẮT NẠT: Là những hành vi gây hấn lặp lại nhiều lần với chủ ý gây thương tích hoặc làm cho người khác cảm thấy không thoải mái qua tiếp xúc cơ thể, dùng ngôn ngữ xúc phạm, tấn công về thể chất hoặc tâm lý.

* Khái niệm liên quan đến xâm hại tình dục:

- Quấy rối tình dục: bao gồm các bình luận, cử chỉ, hành vi với mục đích làm tổn thương, xúc phạm hoặc hạ thấp nhân phẩm của người khác liên quan tới tình dục

- Xâm hại tình dục trẻ em: Là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (Luật trẻ em, 2016)

  • Như vậy, QRTD/XHTD trẻ em trong trường học là một dạng của bạo lực học đường trên cơ sở giới

2. Các hình thức và biểu hiện của BLHĐTCSG và xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE):

- Bạo lực thân thể.

- Bạo lực tinh thần.

- Bạo lực kinh tế.

- Bạo lực tình dục.

3. Hệ quả và nguyên nhân của BLHĐTCSG/XHTDTE:

3.1. Ảnh hưởng và tác động của BLHĐTCSG/XHTDTE:

- Ảnh hưởng đối với việc học tập của trẻ.

- Tác động tới thể chất, tâm lý là gia tăng các nguy cơ

 3.2. Nguyên nhân của BLHĐTCSG/XHTDTE:

- Nguyên nhân sâu xa của BLHĐTCSG và XHTD là do định kiến giới và phân biệt đối xử về giới.

- Sự bất bình đẳng về quyền lực giữa GV với HS hoặc giữa HS với HS.

- Thể hiện sức mạnh nam tính. “Đôi khi nam đánh nhau là muốn thể hiện “nam tính” và khẳng định quyền lực “chinh phục và bảo vệ” bạn gái của mình”

- Hạ thấp giá trị nữ tính. “Các bạn nữ trông nam tính thì được các bạn khác thích; còn các bạn nam có cử chỉ dịu dàng, nữ tính lại bị ghét, bị trêu chọc”

- Không tuân theo khuôn mẫu giới cũng bị bạo lực giới và dễ bị quấy rối/xâm hại tình dục (QR/XHTD).

- Vị trí xã hội của trẻ em gái/phụ nữ thấp khiến họ thường chấp nhận bị QR/XHTD và các hình thức bạo lực khác. 

- Cơ thể của các trẻ em gái/phụ nữ trẻ thường bị coi như đối tượng tình dục để bình luận hay động chạm.

- Sự hạn chế của pháp luật: Pháp luật chưa được thực thi hiệu quả để ngăn chặn bạo lực giới và QR/XHTD.

 

4. Một số kỹ năng giúp HS phòng chống với bạo lực học đường trên cơ sở giới:

- Kỹ năng nhận biết các dấu hiệu của bạo lực học đường: Cũng như các tệ nạn xã hội khác, bạo lực học đường có những dấu hiệu đặc trưng tiềm ẩn hoặc biểu hiện qua các ứng xử hằng ngày giữa học sinh với nhau. Nhất là dấu hiệu tiền bạo lực như nhìn đểu, trêu đùa quá khích, bị cho ra rìa, tẩy chay, ruồng bỏ, cô lập, luôn bị gây sự, bị ức hiếp, hăm dọa, … HS cần được trang bị những kỹ năng nhận biết các dấu hiệu, từ đó các em sẽ biết cách né tránh khỏi bế tắc trong cách hành xử.

 - Kỹ năng bày tỏ chính kiến để phê phán và tiếp nhận các cách phòng chống bạo lực học đường:

  - Kỹ năng hòa nhập và tham gia các nhóm bạn, hội bạn nhằm phòng chống bạo lực học đường: Các em nên tham gia vào các nhóm bạn khác nhau như nhóm bạn học tập, nhóm bạn học tiếng Anh, nhóm bạn chơi thân… Duy trì và phát triển sự thân thiện các mối quan hệ bạn bè giúp các em tương tác một cách tích cực với những người xung quanh. Phải biết chọn bạn mà chơi, cùng bạn tìm cách né những trận ẩu đả và nhờ bạn thông tin đến người khác nếu có dấu hiệu của việc gây sự, xung đột. Tránh những người bạn “trái tính, trái nết” có nguy cơ tiềm ẩn bạo lực học đường.

 - Kỹ năng làm chủ và ứng phó với hệ lụy do bạo lực học đường: Kỹ năng này giúp học sinh cân bằng tâm lý, tránh được trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực, tránh được sự trầm cảm - nguy cơ cao nhất dẫn đến tự tử.

 - Kỹ năng xử lý tình trạng khẩn cấp, bất thường khi xảy ra bạo lực học đường:

    + Biết cầu cứu khi đối mặt với nguy cơ bạo lực học đường, đừng bao giờ để mình rơi vào thế bí, trở thành nạn nhân của những cuộc hành hung. Cũng đừng nghĩ rằng chúng sẽ đánh mình cảnh cáo chứ không dám quá tay.

    + Nếu cần thiết hãy nhẫn nhịn, lùi bước để tránh bạo lực nhưng không phải cam chịu “liều mình” chịu trận. Tìm những người đáng tin cậy gần nhất để chia sẻ những dấu hiệu tiền bạo lực. Trẻ có thể gặp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tổng phụ trách Đội, người phụ trách Đoàn thanh niên, chuyên viên tâm lý học đường… hoặc bất kỳ ai là người lớn hơn có khả năng cứu giúp mình và trình bày ngắn gọn, rõ ràng vấn đề mình đang gặp phải.

     + Tốt nhất là khi bị trêu chọc, sỉ nhục nên im lặng, coi như không có chuyện gì, đi thẳng về hướng có đông người khác. Nếu thấy nguy hại đến thân thể, trẻ có thể cầu cứu bằng cách la lớn, chạy nhanh đến những nơi an toàn như phòng bảo vệ, nhà người dân và gọi điện thoại cho người thân.

     Vĩnh Nguyên, ngày 8  tháng 6  năm 2020

     Duyệt lãnh đạo  

   HIỆU TRƯỞNG                                                     NGƯỜI THỰC HIỆN    

 

 

 

   Trần Thu Trà                                                              Đỗ Thị Thu Hồng

 

 

 

 
Video